Tôn giáo, triết học, và văn chương Blaise_Pascal

Trải nghiệm tôn giáo

Tu viện Port-Royal, thế kỷ 17

Mùa đông năm 1646, cha của Pascal, ở tuổi 58, bị trượt ngã trên một con phố đóng băng ở Rouen và bị nứt xương hông; căn cứ theo tuổi tác và điều kiện y khoa thế kỷ 17, thì đây là một ca nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Rouen lúc ấy có những thầy thuốc giỏi nhất nước Pháp: Deslandes và de La Bouteillerie. Bệnh nhân "không cho ai chăm sóc ngoại trừ những bác sĩ này... Đây là một lựa chọn tốt, ông lão cũng bình phục và đi đứng trở lại..."[11] Nhưng quy trình chữa trị và tập luyện phục hồi mất đến ba tháng, đủ lâu để La Bouteillerie và Deslandes trở thành những người bạn của gia đình.

Cả hai đều chịu ảnh hưởng của Jean Guillebert thành viên một nhóm độc lập hoạt động bên trong Giáo hội Công giáo gọi là Nhóm Jansen. Đây là một giáo phái nhỏ chủ trương theo sát thần học Augustine. Cũng đáng ngạc nhiên khi vào thời điểm ấy, nhóm Jansen đã có thể tự xoay xở để tồn tại và phát triển bên trong giáo hội. Blaise thường xuyên đàm đạo với hai bác sĩ, và mượn họ sách của các tác gia theo thuyết Jansen. Đây là giai đoạn Pasacal trải nghiệm điều ông gọi là "lần qui đạo thứ nhất", và khởi sự viết về những chủ đề thần học.

Tuy nhiên, trong vài năm Pascal tẻ tách khỏi nếp sống tôn giáo và những trải nghiệm tâm linh, quãng thời gian này những người viết tiểu sử Pascal gọi là "giai đoạn trần tục" (1648 – 1654). Cha ông qua đời năm 1651, để lại tài sản cho Pascal và Jacqueline. Jacqueline cho biết cô sẽ trở thành nữ tu trong Tu viện Port-Royal, trung tâm của phong trào Jansen. Bị tác động bởi quyết định của em gái, Pascal rất buồn, không phải vì chọn lựa của cô em, mà vì tình trạng sức khỏe tồi tệ của ông, luôn cần đến sự giúp đỡ của cô.

"Thế là bùng nổ chiến tranh bên trong gia đình Pascal. Blaise nài xin Jacqueline đừng đi, nhưng cô tỏ ra kiên quyết. Ông yêu cầu cô ở lại, nhưng chẳng hiệu quả gì. Căn cốt của vấn đề là... Blaise sợ bị bỏ rơi... nếu Jacqueline đến Port-Royal, nếu bỏ đi Jacqueline cũng phải từ bỏ tài sản thừa kế.... nhưng chẳng có điều gì có thể thay đổi quyết định của cô."[12]

Đến cuối tháng 10 năm 1651, có một cuộc đình chiến giữa hai anh em. Jacqueline ký chuyển nhượng tài sản thừa kế cho ông anh, ngược lại cô sẽ nhận một khoản chu cấp y tế hằng năm. Trước đó chị cả Gilberte đã nhận phần của mình như là của hồi môn. Đầu tháng 1, Jacqueline đến Port-Royal. Vào ngày ấy, theo ghi nhận của Gilberte, "Blaise cực kỳ buồn bã, giam mình trong phòng mà không chịu gặp Jacqueline, lúc ấy đang đợi ở phòng khách..."[13] Đến đầu tháng 6 năm 1653, sau nhiều phiền toái do Gilberte gây ra, Pascal chính thức ký chuyển giao toàn bộ tài sản thừa kế của cô em gái cho tu viện Port-Royal.[14]

Trong một thời gian, Pascal theo đuổi nếp sống độc thân. Trong lần thăm em gái năm 1654 tại Port-Royal, ông tỏ ra coi thường chuyện trần gian nhưng lại không muốn đến gần với Chúa.[15]

Thần học Jansen

Cornelius Jansen

Phong trào Jansen khởi phát từ một tác phẩm của nhà thần học người Hà Lan, Cornelius Jansen, xuất bản sau khi ông qua đời năm 1638 dưới tên Augustinus, nhấn mạnh đến nguyên tội (tội tổ tông), bản chất băng hoại của con người, sự cần thiết của ân điển thiên thượng, và thuyết tiền định. Lúc đầu tư tưởng Jansen được một người bạn là tu viện trưởng tu viện Saint-Cryan, Jean du Vergier, rao giảng. Đến thế kỷ 17 và 18, thần học Jansen trở thành một phong trào độc lập bên trong Giáo hội Công giáo. Trung tâm thần học của phong trào đặt tại tu viện Port-Royal ở Paris, cũng là nơi trú ẩn của những tác gia như Vergier, Arnauld, Pierre Nicole, Blaise Pascal, và Jean Racine.

Phong trào gặp phải sự chống đối từ hệ thống phẩm trật của giáo hội, nhất là các tu sĩ Dòng Tên. Mặc dù tự nhận là những người nhiệt thành theo giáo huấn của Augustine, họ bị gán cho cái tên "thuyết Jansen" ngụ ý họ chịu ảnh hưởng của Thần học Calvin.[16] Chỉ dụ Cum occasione do Giáo hoàng Innocent X ban hành năm 1653 kết án năm giáo thuyết quan trọng của thần học Jansen – đặc biệt là sự liên quan giữa ý chí tự do và ân điển, theo lời dạy của Augustine được nhóm Jansen rao giảng, bị cho là đối nghịch với lời giảng của trường phái Dòng Tên.[16]

Do nỗ lực thích ứng với chỉ dụ của Giáo hoàng trong khi vẫn cố duy trì sự khác biệt của mình, nhóm Jansen được bình an phần nào trong giai đoạn cuối thế kỷ 17 dưới triều Giáo hoàng Clement IX. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận tiếp diễn dẫn đến việc Giáo hoàng Clement XI ra chỉ dụ Unigenitus năm 1713 chấm dứt thái độ hòa hoãn của Công giáo đối với thần học Jansen.

Lettres provinciales

Đêm 23 tháng 11 năm 1654 khoảng giữa 10:30 đến 12:30, Pascal trải qua một nhận thức tôn giáo dữ dội đến nỗi ông vội ghi lại trải nghiệm này, "Lửa. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob, không phải của những triết gia và các học giả..." rồi kết thúc bằng cách trích dẫn Thi Thiên 119: 16. "Tôi sẽ không quên lời Chúa. Amen." Ông cẩn thận khâu ghi chép này vào áo khoác, mỗi khi thay áo ông lại khâu nó vào chiếc áo mới; chỉ sau khi Pascal mất, một người hầu mới phát hiện điều này.[17] Văn kiện được biết đến ngày này như là Memorial.[18] Niềm tin và lòng mộ đạo được phục hưng, Pascal đến thăm tu viện Port-Royal, và ở lại đó hai tuần trong tháng 1 năm 1655. Suốt bốn năm kế tiếp, ông thường xuyên đến Port-Royal. Chính là từ thời điểm ngay sau khi qui đạo, Pascal khởi sự viết tác phẩm văn chương quan trọng đầu tiên của ông xoay quanh chủ đề tôn giáo, Lettres provinciales.

Từ năm 1656, Pascal bắt đầu công kích một phương pháp gọi là casuistry (ngụy lý) thường được những nhà tư tưởng Công giáo sử dụng trong thời kỳ này (đặc biệt là các tu sĩ dòng Tên, nổi bật nhất là Antonio Escobar). Pascal xem ngụy lý là cách sử dụng những lập luận phức tạp nhằm biện minh cho sự băng hoại đạo đức và mọi thứ tội lỗi. Một chuỗi 18 lá thư được xuất bản từ năm 1656 đến 1657 dưới bút danh Louis de Montalte đã khiến Louis XIV giận dữ. Năm 1660, nhà vua ra lệnh xé bỏ và đốt cuốn sách này. Đến năm 1661, ngay giữa lúc bùng nổ cuộc tranh cãi giữa nhóm Jansen và các tu sĩ dòng Tên, trường học của nhóm Jansen ở Port-Royal bị đóng cửa; nhà trường buộc phải cam kết theo chỉ dụ Giáo hoàng năm 1656 kết án giáo huấn của Jansen là tà giáo. Bức thư cuối cùng của Pascal viết năm 1657 đả kích Giáo hoàng Alexander II. Mặc dù công khai chống đối những bức thư này, Giáo hoàng cũng bị thuyết phục trước những luận cứ của Pascal.

Bên cạnh những ảnh hưởng tôn giáo, Lettres provinciales được yêu thích như là một tác phẩm văn chương. Thủ pháp trào phúng, chế giễu, và châm biếm được Pascal sử dụng cho những lập luận của ông đã thu hút sự chú ý của công chúng, cũng như đã có ảnh hưởng đến những tác phẩm văn xuôi của các tác giả người Pháp hậu sinh như VoltaireJean-Jacques Rousseau.

Pensées

Pensées, ấn bản năm 1670

Tác phẩm thần học có nhiều ảnh hưởng nhất của Pascal, sau khi ông mất được gọi là Pensées (Suy tưởng), chưa kịp hoàn tất trước khi tác giả qua đời. Đây là một tác phẩm biện giáo mạch lạc và chặt chẽ cho đức tin Cơ Đốc, với tựa đề ban đầu là Apologie de la religion Chrétienne (Biện giải cho Cơ Đốc giáo).

Phiên bản đầu tiên gồm những tờ giấy rời tìm thấy sau khi Pascal mất được in thành sách năm 1669 có tựa Pensées de M. Pascal sur la religion, et sur quelques autres sujets (Những suy tưởng của M. Pascal về tôn giáo, và về một số chủ đề khác) chẳng bao lâu trở thành một tác phẩm kinh điển. Một trong những chiến lược chính của cuốn Apologie là sử dụng hai triết lý sống đối nghịch nhau, hoài nghi và khắc kỷ, thể hiện qua tính cách của Montaigne và Epictetus nhằm đẩy người không có niềm tin vào tình trạng tuyệt vọng và hoang mang để rồi cuối cùng chấp nhận đến với Chúa.

Nhiều người xem cuốn Pensées của Pascal là một kiệt tác, một dấu mốc cho văn xuôi Pháp. Nhà phê bình văn học Sainte-Beuve ca ngợi một trong những phân đoạn của cuốn sách (Suy tưởng #71) là những trang viết tinh túy nhất trong tiếng Pháp.[19] Will Durant tán dương Pensées như là "quyển sách có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất trong văn xuôi Pháp."[20] Trong Pensées, Pascal xem xét một số nghịch lý triết học: vô hạn và hư vô, đức tin và lý trí, linh hồn và vật chất, sự chết và sự sống, ý nghĩa và sự hư không của cuộc sống.

Triết lý đặt cược của Pascal

Mặc định rằng con người đặt cược cuộc đời mình để xem Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu. Sẽ được hoặc mất (cả hai đều có giá trị vô hạn) phụ thuộc vào việc có niềm tin hay không, triết lý đặt cược của Pascal lập luận rằng một người có lý trí sẽ sống như thể Chúa thực sự hiện hữu, vì vậy mà tin Ngài. Còn nếu Chúa không hiện hữu, người ấy sẽ chẳng mất mát gì nhiều (một số lạc thú chóng qua, cuộc sống xa hoa ở trần gian,.v..v..).[21]Triết lý này theo logic sau (trích từ Pensées, phần III, §233):

  • "Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu"
  • Trò chơi ném đồng tiền để xem... mặt sấp hay mặt ngửa.
  • Bạn chỉ có thể chọn một trong hai.
  • Vì vậy, bạn phải đặt cược (không có chọn lựa nào khác).
  • Hãy cân nhắc xem khi đặt cược Chúa hiện hữu bạn sẽ được gì, mất gì. Sẽ có hai tình huống: Nếu thắng, bạn được tất cả; nếu thua, bạn chẳng mất gì.
  • Vậy thì, đừng ngại ngần gì mà hãy đặt cược Chúa hiện hữu. Bạn sẽ có một thế giới vĩnh cửu với cuộc sống hạnh phúc vô hạn ở đó.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Blaise_Pascal //nla.gov.au/anbd.aut-an35410983 http://www.cemc.uwaterloo.ca/contests/pcf.html http://www.bartleby.com/48/3/ http://vuontoanblog.blogspot.com/2012/09/pascal-tr... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/445406 http://books.google.com/books?id=AMOQZfrZq-EC&pg=P... http://books.google.com/books?id=I0P0A8XK29QC&pg=P... http://books.google.com/books?id=uV3rJkmnQhsC&prin... http://www.intratext.com/Catalogo/Autori/Aut852.ht... http://www.mathpages.com/home/kmath558/kmath558.ht...